Chăn nuôi đà điểu – một mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả cao

mất:4 phút, 10 giây để đọc.

Chăn nuôi đà điểu – đây có lẽ là một lĩnh vực còn mới đối với bà con nông dân chăn nuôi. Đà điểu là một loại động vật hoang dã, thời gian gần đây, một số được thuần hóa đưa vào chăn nuôi như một loại gia cầm. Mô hình chăn nuôi đà điểu này có thể thu về lợi ích kinh tế lớn nếu như thực hiện đúng cách. Giống gà khổng lồ này không quá khó nuôi như nhiều người vẫn nghĩ, chỉ cần chịu khó tìm hiểu một chút là có thể chăn nuôi chúng rồi.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn đọc mô hình chăn nuôi đà điểu của hộ dân Phan Sỹ Hải, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) – người đi đầu trong việc nuôi đà điểu ở Yên Mông. Mô hình chăn nuôi của anh khá hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã Yên Mông.

Bắt đầu với chăn nuôi đà điểu

Qua tìm hiểu, biết đà điểu dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, trên địa bàn tỉnh có ít hộ nuôi, năm 2013, anh Hải đến Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì học hỏi kinh nghiệm nuôi đà điểu. Nhận thấy đây là loài chim nuôi có tiềm năng lớn; phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình; anh Hải liên kết cùng người em trai nuôi 100 con đà điểu sinh sản ở Thanh Thủy (Phú Thọ), cải tạo lại khu đất của gia đình ở xóm Mỵ, xây dựng chuồng trại theo hướng dẫn nuôi đà điểu thương phẩm. Ban đầu, anh Hải đầu tư 20 con đà điểu giống về nuôi thử; tổng chi phí trên 40 triệu đồng; trong vòng 10 tháng xuất bán lãi 25 triệu đồng.

Kinh nghiệm nuôi đà điểu

Sau 6 năm nuôi đà điểu, đến nay, anh Hải gần như là một chuyên gia nuôi đà điểu. Anh Hải cho biết: đà điểu dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, là loại ăn tạp, nuôi đà điểu nhàn hơn nuôi lợn, bò. Thức ăn của đà điểu dễ kiếm, chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc…, là những loại thức ăn sẵn có, dễ trồng, dễ mua tại địa phương. Gia đình tôi cũng trồng cỏ voi để chủ động cung cấp thức ăn cho đà điểu. Sân được rải cát, vì đà điều có nguồn gốc từ sa mạc, thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da.

Đà điểu có sức đề kháng tốt nên nguy cơ bị chết do dịch bệnh thấp. Tuy nhiên, đà điểu lại rất sợ tiếng ồn, nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư. Bên cạnh đó, đà điểu thích chạy nên sân phải có diện tích rộng; nền sân không cần lát gạch mà là nền cát; để đà điểu khỏi trơn trượt khi chạy nhảy. Tính đà điểu rất hiếu động, tò mò, chúng mổ bất cứ thứ gì thấy, dẫn đến tắc ruột và chết, vì vậy, cần nhặt sạch các dị vật trong chuồng nuôi.

Hiệu quả kinh tế đem lại

Thời gian sinh trưởng của đà điểu thương phẩm từ 8-10 tháng, đạt trọng lượng từ 80 – 100 kg. Hiện nay, đà điểu có giá bán 90 – 110 nghìn đồng/kg hơi, 250 – 270 nghìn đồng/kg thịt. Đà điểu giống có giá bán 2,2 triệu đồng/con. Thị trường tiêu thụ ổn định trong, ngoài địa bàn. Với mỗi con đà điểu; nếu bán hơi người chăn nuôi lãi khoảng 4 triệu đồng; bán thịt lãi 5 triệu đồng.

Hiện, tại cơ sở ở xã Yên Mông, anh Hải nuôi 50 con đà điểu thương phẩm đã đến kỳ xuất bán, 150 con đà điểu giống. Anh tập trung phát triển đà điểu sinh sản để sản xuất đà điểu giống nuôi thịt; cung cấp cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Khi đà điểu được 2 năm tuổi sẽ bắt đầu đẻ trứng, chu kỳ 1 con đẻ 40-45 quả trứng/năm. Anh Hải đã đầu tư máy ấp trứng để sản xuất con giống.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình; anh Hải luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu. Để khuyến khích các hộ trong xã đầu tư nuôi đà điểu thương phẩm, anh hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y tới các hộ dân, bao tiêu đầu ra. Hiện có 5 hộ dân trong xã đang nuôi đà điểu thương phẩm. Đây thực sự là mô hình kinh tế có hiệu quả; sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã trong thời gian tới.

Xem thêm các thông tin khác tại đây.

Trích dẫn từ nhachannuoi.vn
Lê Sơn

,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *